Ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được hàng chục dự án đầu tư trong nước và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 8.000 tỷ đồng và hơn 471 triệu USD. Trong đó đáng chú ý có một số doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh tiếp tục tăng vốn thực hiện thêm các dự án mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy các doanh nghiệp lớn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên.
Báo cáo kinh tế – xã hội quý I năm 2024 cho thấy, tỉnh Thái Nguyên đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với 4 dự án với tổng số vốn trên 1.000 tỷ đồng; cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 6 dự án với vốn đăng ký gần 3.500 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án với số vốn gần 4.000 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 1 dự án khác.
Trong đó, đáng chú ý có những dự án quan trọng với mức đầu tư lớn, góp phần tạo điều kiện, cơ hội để tiếp tục thu hút các dự án mới. Đó là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, giai đoạn 2 với diện tích trên 296ha, tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Dự án này do nhà đầu tư có uy tín là Công ty CP Viglacera Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Quy mô của dự án gồm 2 khu, một khu có diện tích trên 175ha, một khu có diện tích trên 120ha đều nằm trên địa bàn xã Tân Quang và xã Bá Xuyên (TP. Sông Công). Nhà đầu tư góp vốn gần 600 tỷ đồng với cam kết thực hiện trong vòng 36 tháng kể từ ngày được giao đất. Tiếp đó là Dự án Trạm biến áp 220KV Phú Bình 2 và đường dây 220KV Phú Bình 2 rẽ Thái Nguyên – Bắc Giang với tổng mức đầu tư 620 tỷ đồng.
Việc thêm các dự án trên góp phần nâng tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước của tỉnh hiện nay lên 882 dự án với số vốn đăng ký trên 184.000 tỷ đồng.
Cũng trong quý I, toàn tỉnh đã thu hút được 7 dự án FDI và 3 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký trên 471 triệu USD. Trong đó, đáng chú ý là Dự án sản xuất tấm silic đơn tinh thể và pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Trina Solar Cell Việt Nam (Tập đoàn Trina Solar), với mức đầu tư trên 450 triệu USD. Đây là dự án thứ 3 của Tập đoàn Trina Solar triển khai trên địa bàn tỉnh, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại Thái Nguyên lên 932 triệu USD.
Như vậy, đến nay toàn tỉnh có 218 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 11,2 tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tiếp tục mở rộng đầu tư tại Thái Nguyên của một tập đoàn công nghiệp lớn như Trina Solar là tín hiệu đáng mừng, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với địa phương. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay khi tình hình kinh tế trong nước và thế giới đang phục hồi tích cực thì việc khẳng định chất lượng môi trường đầu tư sẽ góp phần gia tăng số lượng dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn vào Thái Nguyên.
Được biết, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong 3 tháng đầu năm nay đạt khoảng 11,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn của khu vực kinh tế trong nước tăng 7,9% và vốn khu vực đầu tư nước ngoài tăng 14,8%. Đây cũng là thành tích đáng mừng đối với kinh tế Thái Nguyên những tháng đầu năm nay.
Và đáng mừng hơn là toàn tỉnh đã tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động với 240 doanh nghiệp được cấp mới đăng ký kinh doanh, gần 300 doanh nghiệp được cấp điều chỉnh thay đổi và 116 đơn vị trực thuộc được cấp phép thành lập. Đáng chú ý, trong quý I, toàn tỉnh có thêm 182 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên thị trường sau khi phải ngừng vì nhiều lý do…